TIN TỨC

Nước Sạch: món hàng xa xỉ trong tương lai
Một tỷ người không có nước ngọt.

Lần đầu tiên trong lịch sử của nhân loại, hơn một nửa dân số trên hành tinh sống ở thành phố. Nhịp độ đô thị hóa sẽ còn tiếp tục tăng nhanh, kèm theo đó là vấn đề cung cấp nước sạch, bảo đảm chất lượng nước cho mọi người và xử lý nước thải.Một tỷ người không có nước ngọt.

 Mỗi năm 1,6 triệu dân trên thế giới chết do thiếu nước sạch. Diện tích các vùng đất ngập nước (wetland) trên thế giới, chẳng hạn như những vùng đầm lầy, đã bị thu hẹp lại tới một mức độ đáng quan ngại : trong một thế kỷ qua, diện tích vùng ngập nước trên hành tinh đã bị giảm đi 67%. Trong thế kỷ XX, dân số trên địa cầu đã tăng gấp ba lần. Cùng thời kỳ, nhu cầu về nước ngọt của nhân loại tăng lên gấp sáu lần so với thế kỷ XIX. Trung bình mỗi ngày, một người dân ở Bắc Mỹ, chủ yếu là Canada và Hoa Kỳ dùng từ 600 đến 800 lít nước. Để so sánh, nhu cầu này tại các quốc gia đang phát triển dao động từ 60 đến 150 lít/ ngày. Dân số trên địa cầu ước tính lên tới 9 tỷ người vào khoảng năm 2050. Nhu cầu về lương thực qua đó tăng theo. Để nuôi sống 9 tỷ người, ngành nông nghiệp trên thế giới phải sản xuất thêm, kéo nhu cầu về nước đi lên. Để sản xuất ra một lít sữa, nông dân phải cần tới hơn 1.000 lít nước, và để có được một cân thịt bò thì người ta cần có tới từ 12.000 đến 15.000 lít nước. Cùng lúc, để gia tăng năng suất, ngành nông nghiệp cũng sẽ phải sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học. Mức độ ô nhiễm nước sẽ càng gia tăng. Vấn đề lọc nước bẩn, sát trùng các nguồn nước bị ô nhiễm và quản lý các nguồn nước sạch trở thành mối quan tâm hàng đầu.

Những vấn đề nghiêm trọng sẽ nảy sinh từ thiếu nướcTại châu Á và châu Phi, dân số thành thị tăng gấp đôi trong ba thập niên từ năm 2000 đến 2030. 141 triệu dân cư ở các thành phố lớn không được bảo đảm về nước ngọt và nước sạch.Nước bẩn là mầm mống gây ra cái chết cho 1/5 trẻ em trong độ tuổi dưới 5 tuổi vì những căn bệnh như : tiêu chảy, dịch tả, sốt rét… Tại các nước đang phát triển, như Trung Quốc hay Ấn Độ, trung bình một tháng, các thành phố lớn phải đón nhận thêm khoảng 5 triệu người đến định cư. Trong thập niên sắp tới, 95% những người từ nông thôn lên thành thị sinh sống thuộc về các nền kinh tế đang trỗi dậy. Làn sóng di dân này đã, đang và còn tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền, đặc biệt là vấn đề cung cấp nước cho tất cả mọi người, đồng thời cần mở rộng hệ thống xử lý nước thải trước hiện tượng dân số ngày càng gia tăng. Một trong những mối lo ngại đau đầu nhất đối với những quốc gia đang phát triển - đặc biệt là tại Brazil và Ấn Độ - là làm thế nào để đem nước đến cho hơn 820 triệu người sống tại các khu nhà ổ chuột, lắp đặt hệ thống cung cấp nước sạch, thải nước bẩn tại những khu vực này.Theo cơ quan đặc trách về vấn đề nước trực thuộc Liên hiệp quốc, cộng đồng quốc tế cần khoản tiền 20 tỷ đô la hàng năm để giải quyết vấn đề nước cho các thành phố lớn đang phải liên tục mở rộng vành đai để đón nhận thêm dân cư. Các thành phố châu Á chiếm đến 6 trong số 10 thành phố lớn nhất thế giới, mà hầu hết đều vấp phải vấn đề nghiêm trọng vừa nêu. Dự báo, đến năm 2025, sẽ có đến 60 % dân số tại châu Á sống ở thành phố.Với hơn 1,5 tỷ dân, Trung Quốc chỉ làm chủ 9% khoản nước ngọt của thế giới. Trong lúc đó, 41% các con sông lớn của Trung Quốc bị ô nhiễm tới mức báo động. Bộ Tài nguyên và Môi trường Trung Quốc nhìn nhận là Trung Quốc chưa sử dụng nước một cách tối ưu. Ngoài ra, chính sách phát triển đô thị và công nghiệp hóa của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức lớn cho chính quyền cả ở cấp địa phương lẫn trung ương. Bên cạnh đó hệ thống lọc nước của Trung Quốc bị coi là đã lỗi thời, có khi đã đã được xây dựng từ cả trăm năm nay, không còn khả năng cung cấp một khối lượng nước ngày càng lớn cho các thành phố. Mỗi tháng đều xảy ra các vụ ô nhiễm nước, khi các nhà máy thường xuyên đổ ra sông chất hóa học độc hại. Nước sạch và nước ngọt không còn là những tài nguyên thiên nhiên để phục vụ con người, mà đã từng bước trở thành một món hàng người ta phải bỏ tiền ra mua. Bước kế tiếp là nước đã trở thành một trong những yếu tố gây căng thẳng trong xã hội và có thể dẫn tới xung đột, chiến tranh. Theo Song Hà/Sức khỏe đời sống


CÁC TIN TỨC KHÁC
Trang : 1

Hotline:0902571039

Liên kết với chúng tôi: